Cs1: 304 Lê Duẩn, Đống Đa, HN - 0856 115 115

Cs2: 71 Trần Nhân Tông, HBT, HN - 0968 004 115

Cs3: 14, ngõ 102, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, HN - 0968 004 115

17 / 100

 X quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hữu ích trong thú y. Nếu bạn nghĩ x quang chỉ để xác định gãy xương thì bạn lầm to đấy nhé. X quang như một chiếc gương phản chiếu các mô, cơ quan, xương khớp, khối u, sạn bàng quang, sạn thận và các vật lạ thú nuốt phải. Thậm chí, kỹ thuật này còn rất có giá trị đối với thú mang thai! Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh hơn và chính xác hơn so với việc chỉ khám lâm sàng bên ngoài. Nếu bạn không tin thì mời bạn xem tiếp phần dưới nhé.

X quang cho chúng ta thấy gì?

X quang vùng bụng giúp bác sĩ “thấy” dị vật trong dạ dày, ruột; tắc ruột; sạn bàng quang; hình dạng bất thường của các cơ quan; phát hiện khối u trong bụng hoặc ngực; chẩn đoán thai.

X quang vùng ngực có thể cho bác sĩ biết ung thư di căn đến phổi và các cơ quan hay chưa; chẩn đoán các bệnh về tim phổi; các thương tổn khi bị chấn thương như bị xe tông có thể dẫn đến gãy xương sườn, tràn khí vào lồng ngực…

X quang cũng giúp chẩn đoán các bệnh về xương khớp như loạn sản khớp chậu, loạn sản khớp vai và các dị tật khác về xương khớp.

Trong trường hợp x quang thực quản và dạ dày, thú cưng có thể được cho uống chất cản quang (barium).  Chất này có màu trắng đục như sữa, đi qua ống tiêu hóa và dễ dàng thấy trên phim x quang, cho ta biết tình trạng của đường tiêu hóa như có khối u, loét, polyp.

Tuy nhiên, x quang không phải là biện pháp hoàn hảo, duy nhất! 

Một vài khối u không thể thấy trên phim x quang vì màu sắc tiệp với màu của mô xung quanh. Thú ăn phải đồ nhựa hay bao nilong và bị tắc ở dạ dày không thể thấy trên phim x quang. Ngoài ra, một số cơ quan khó nhìn rõ bằng x quang như não, cấu trúc bên trong tim, phổi hoặc một số khớp. Vì vậy, ngoài x quang, bác sĩ cần áp dụng các kỹ thuật khác như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp (CT).

Dù vậy, X quang vẫn là kỹ thuật chẩn đoán đầu tiên được đề nghị trong các trường hợp cấp cứu.

Thú có cần dùng thuốc an thần hoặc gây mê khi chụp x quang không?

 Hầu hết các trường hợp chụp x quang vùng bụng và ngực đều không yêu cầu dùng thuốc an thần và gây mê. Tuy nhiên, trường hợp thú bị chấn thương nặng, có biểu hiện rất đau đớn khi cố định hoặc chống cự kịch liệt, thú có thể được dùng thuốc an thần hoặc gây mê nhẹ để hình ảnh được rõ ràng nhất.

Chụp x quang có hại cho thú cưng không?

 Thú cưng mang thai được chụp x quang để dự đoán số con. Việc này được thực hiện khi thai đã đạt được mức phát triển nhất định, thường là sau ngày thứ 45. Vậy tại sao trên người, phụ nữ mang thai không được chụp x quang, mà chúng ta lại làm vậy với thú cưng? Liệu có thật sự nguy hiểm?

Có! X quang có hại! Đó là lý do vì sao bác sĩ thú y yêu cầu bạn phải mặc trang phục bảo hộ khi cố định thú trong chụp x quang. Vì tia X là tia phóng xạ, có khả năng gây ung thư và dị tật bẩm sinh mà thú non thì đặc biệt nhạy cảm với phóng xạ. Tuy nhiên, việc chụp x quang trên thú mang thai có nhiều lợi ích: dự đoán số thai, dự đoán khả năng sinh tự nhiên, dự đoán khả năng sinh khó qua tư thế thai, khi thú mẹ sinh, người chủ có thể biết được còn sót con nào không. Vì vậy, x quang vẫn được áp dụng do lợi ích lớn hơn rủi ro.

CHÓ ALASKA GÃY CHÂN ĐƯỢC CHỤP X QUANG BẰNG MÁY CAO TẦN CHUYÊN DỤNG

Quy trình chụp x quang như thế nào? 

Khi thú cưng của bạn có vấn đề về sức khỏe, sau khi khám lâm sàng, BSTY đề nghị chụp x quang để chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Bạn sẽ được vào phòng chụp x quang cùng với thú cưng của mình để hỗ trợ cố định và trấn an tinh thần của bé. Trong vài trường hợp, bé có thể được dùng thuốc an thần hoặc gây mê nhẹ. Thú cưng cần phải nằm yên trong thời gian chụp và mất khoảng 5-10 phút để chụp các góc độ cần thiết. Sau đó, phim x quang sẽ được thể hiện trên máy tính và hội chẩn bởi các BSTY.

Chi phí chụp x quang khác nhau ở từng ca cụ thể, dao động phụ thuộc vào số lượng hình cần chụp, thú có cần sử dụng thuốc hay không (thuốc an thần/ gây mê/ giảm đau/ cản quang…), người chủ có muốn lấy phim hay không. Tuy vậy, chi phí thường nằm ở mức hợp lý, vừa túi tiền với hầu hết chủ nuôi.

0856 115 115